Tiêu chuẩn bản vẽ hoàn công, các lưu ý về bản vẽ hoàn công
Trong quá trình thi công và xây dựng, bản vẽ hoàn công là một trong những loại bản vẽ không thể thiếu bởi nó thể hiện tình trạng thực tế của căn nhà sau khi xây dựng xong, trong đó cho thấy kích thước thực tế so với kích thước bản vẽ thiết kế. Chính vì thế, chúng ta cần nắm vững những thông tin và có cho riêng mình những hiểu biết nhất định về loại bản vẽ này để không xảy ra sơ suất trong quá trình thi công.
Hoàn công là gì?
Thủ tục hoàn công (hoàn công xây dựng) là công việc nhằm xác nhận rằng công trình đã hoàn thành, đã được các bên nghiệm thu và sẵn sàng đưa vào sử dụng, là điều kiện cần thiết để được cấp đổi lại sổ hồng sau khi trên mảnh đất có thêm nhà xây trên đó (tài sản gắn liền với đất). Hiểu một cách đơn giản, chủ nhà muốn chứng nhận quyền sở hữu nhà ở sau khi xây dựng thì phải thực hiện hoàn công.
Bản vẽ hoàn công là gì? Vì sao cần lập bản vẽ hoàn công?
Theo điều 3.3 nghị định số 46/2015/NĐ-CP, bản vẽ hoàn công là bản vẽ công trình xây dựng hoàn thành, trong đó thể hiện vị trí, kích thước, vật liệu và thiết bị được sử dụng thực tế. Bản vẽ hoàn công được lập trên cơ sở bản vẽ thiết kế thi công đã được phê duyệt, mọi sửa đổi so với thiết kế được duyệt phải được thể hiện trên bản vẽ hoàn công.
Do bản vẽ hoàn công thể hiện các chi tiết và kích thước thực tế xây dựng, nên có vai trò quan trọng giúp chủ nhà nắm được tình trạng, vị trí chính xác của các hạng mục khi sửa chữa, bảo trì ngôi nhà. Thủ tục hoàn công cũng là giấy tờ cần thiết để hoàn tất thanh toán cho nhà thầu. Về mặt pháp lý, bản vẽ này là cơ sở giúp cơ quan nhà nước nắm xác định xem chủ nhà có làm đúng theo giấy phép xây dựng hay không.
Bên nào có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công?
Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công bộ phận công trình xây dựng và công trình xây dựng. Riêng các bộ phận công trình bị che khuất phải được lập bản vẽ hoàn công hoặc được đo đạc xác định kích thước, thông số thực tế trước khi tiến hành công việc tiếp theo.
Đối với trường hợp nhà thầu liên danh thì từng thành viên trong liên danh có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công phần việc do mình thực hiện, không được ủy quyền cho thành viên khác trong liên danh thực hiện.
Phân loại bản vẽ hoàn công
Tùy theo quy mô công trình, tùy theo tính phức tạp của công trình mà người ta có thể chia ra các loại bản vẽ hoàn công như sau:
- Bản vẽ hoàn công công việc xây dựng
- Bản vẽ hoàn công bộ phận công trình
- Bản vẽ hoàn công giai đoạn xây dựng
- Bản vẽ hoàn công lắp đặt thiết bị
- Bản vẽ hoàn công từng hạng mục công trình
- Bản đồ hoàn công tổng thể công trình
Các yêu cầu của bản vẽ hoàn công
- Phải phản ánh trung thực kết quả thực hiện thực tế thi công ngoài hiện trường mà không được tự bỏ qua các sai số.
- Phải được lập ngay tại thời điểm nghiệm thu, không được hồi ký hoàn công.
- Phải được lập và xác nhận theo đúng quy định.
- Phải thể hiện rõ ràng những chỉnh sửa, thay đổi để sử dụng thuận tiện và chính xác trong việc khai thác , sử dụng và bảo trì công trình.
Cách lập bản vẽ hoàn công
Theo phụ lục II.1.a và b thông tư số 26/2016/TT-BXD, việc lập bản vẽ hoàn công được quy định như sau:
a) Trường hợp các kích thước, thông số thực tế của hạng mục công trình, công trình xây dựng không vượt quá sai số cho phép so với kích thước, thông số thiết kế thì bản vẽ thi công được chụp (photocopy) lại và được các bên liên quan đóng dấu, ký xác nhận lên bản vẽ để làm bản vẽ hoàn công. Nếu các kích thước, thông số thực tế thi công có thay đổi so với kích thước, thông số của thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt thì cho phép nhà thầu thi công xây dựng ghi lại các trị số kích thước, thông số thực tế trong ngoặc đơn bên cạnh hoặc bên dưới các trị số kích thước, thông số cũ trong tờ bản vẽ này;
b) Trong trường hợp cần thiết, nhà thầu thi công xây dựng có thể vẽ lại bản vẽ hoàn công mới, có khung tên bản vẽ hoàn công tương tự như mẫu dấu bản vẽ hoàn công quy định tại Phụ lục này.
>> Tham khảo thêm: Dịch vụ xây nhà trọn gói chuyên nghiệp tiết kiệm